Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạ
Chủ nhật, 24/11/2024
TIN TỨCTIN TRONG NƯỚC

Thanh Hoá - Tăng cường thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cập nhật lúc 14:21 01/03/2017
Là tỉnh có tỷ lệ hút thuốc lá khá cao và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại và ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, đời sống kinh tế và môi trường và đặc biệt là gây ra các căn bệnh nguy hiểm chết người, trong thời gian qua Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đồng bộ thực hiện công tác PCTHTL nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng.
Theo số liệu điều tra tỷ lệ hút thuốc lá năm 2015 tại Thanh Hóa cho thấy, cứ trung bình 2 nam giới thì có hơn 1 người hút thuốc. Cụ thể điều tra trên 1.189 nam giới từ 18 tuổi trở lên thì có tới 732 người hút thuốc chiếm 61,6%. Nếu tính theo độ tuổi thì nhóm tuổi dưới 20 chiếm tỷ lệ cao nhất, thấp nhất là nhóm trên 40 tuổi; tần suất hút thuốc của 180 đối tượng nam giới điều tra ngẫu nhiên thì tỷ lệ hút 10-15 điếu/ngày chiếm cao nhất (32,5%), từ 5-10 điếu/ngày chiếm tỷ lệ 28,3%. Theo kết quả quan sát tại một số khu vực công cộng thì có 60% điểm đã có treo biển báo “cấm hút thuốc lá”, 60% địa điểm vui chơi có phát động phong trào khu vui chơi không khói thuốc. Tuy nhiên, 40% điểm vẫn còn có hành vi hút thuốc lá và 40% điểm vẫn còn mẩu thuốc lá. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tình trạng hút thuốc tại nơi làm việc vẫn còn tồn tại, ngay cả khi có biển báo cấm hút thuốc: tại khu vực trong nhà của quán ăn là 49%, cơ sở y tế là 47,8%, phương tiện giao thông là 20,9%, cơ quan là 16,7%.…Khi được điều tra về thực hiện quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng thì có tới 45,7% người được hỏi cho rằng không có quy định nào; 20,9% người cho rằng không được phép hút; nhưng vẫn còn 5,3% người nói là được hút thuốc mọi lúc, mọi nơi....Như vậy, theo thực tế điều tra này Thanh Hóa vẫn là tỉnh có tỷ lệ hút thuốc lá khá cao và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại và ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, đời sống kinh tế và môi trường và đặc biệt là gây ra các căn bệnh nguy hiểm chết người.
Trước thực trạng đó, Thanh Hóa đã tích cực triển khai thực hiện công tác  PCTHTL, nhất là sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Năm 2014 Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL của tỉnh. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và triển khai, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trên hệ thống thông tin đại chúng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá; phát động phong trào thực hiện không khói thuốc ở nơi làm việc, nơi công cộng; tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi có quy định cấm; đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan... được thực hiện thường xuyên; tại các trường học cũng đã tích cực vào cuộc; việc triển khai Luật PCTHTL được các đơn vị thực hiện thông qua các hoạt động lồng ghép cụ thể tại đơn vị…. Để tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng,chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh đã ban hành kế hoạch số 766/KH-BCĐ ngày 06/5/2016 về hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá năm 2016; Hướng dẫn thực hiện công văn số 2784/BYT-KCB ngày 16/5/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2016.
Theo đó, nội dung xuyên suốt các hoạt động năm 2016 là tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá các sở, các ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị trong tỉnh. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại thuốc lá; giáo dục và ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Chú trọng hoạt động tập huấn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá tại các đơn vị, địa phương; xây dựng mô hình điểm cơ sở y tế, trường học không khói thuốc...nhằm mục tiêu chung là tăng cường việc thực thi Luật PCTHTL và môi trường không khói thuốc và cụ thể là: 60% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá, trên 50% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL, 60% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc trong nhà, 70% trường mẫu giáo và tiểu học thực quy định nghiêm cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học, có ít nhất 10 trường THCS, 10 trường THPT thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học, 80% bệnh viện tuyến tỉnh có quy định về việc thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên và trong đó 70% thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc, ít nhất 70% các công ty xe buýt thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách. 
Trong công tác truyền thông, triển khai các hoạt động như: Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25 đến 31-5-2016; tổ chức các chiến dịch truyền thông để phổ biến tới người dân nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ đối với tình trạng hút thuốc nơi công cộng, kêu gọi sự ủng hộ hợp tác và thay đổi hành vi về việc hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc; Phối hợp với  Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa xây dựng và phát sóng các phóng sự, chuyên mục về tác hại thuốc lá cũng như việc triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc. Tuyên truyền qua loa phát thanh phường, xã, định kỳ phát các bản tin trên hệ thống đài phát thanh của 637 xã/phường/thị trấn, đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế để trao đổi và chia sẻ thông tin các hoạt động PCTHTL. 
Cùng với đó, việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho Ban Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trong việc xây dựng và triển khai chính sách không hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc tại cơ quan đơn vị. Nâng cao năng lực triển khai thực hiện của cán bộ y tế, cán bộ công đoàn các cơ quan, lãnh đạo giáo viên các trường học, đội ngũ quản lý nhà hàng khách sạn, đội ngũ cộng tác viên và cán bộ làm công tác báo chí, đội ngũ thanh tra, công an về Luật PCTHTL, tác hại của việc hút thuốc lá cũng như các quy định cơ bản của Luật PCTHTL. Tiếp tục duy trì mô hình “Trường học không khói thuốc”  “Bệnh viện không khói thuốc” “Cơ quan không khói thuốc” ... Tổ chức các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn. Giám sát việc thi hành các qui định cấm hút thuốc lá tại các nơi có quy định cấm hút thuốc lá theo quy định hiện hành.
Thiết nghĩ để từng bước giảm tỷ lệ hút thuốc cũng như tác hại của thuốc lá gây ra, bên cạnh ngành y tế thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai các hoạt động PCTHTL, có như vậy mới từng bước nâng cao, nhận thức, và hướng đến hành vi bỏ hút thuốc và không hút thuốc trong cộng đồng.
Trung tâm truyền thông GDSK Thanh Hoá
Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
Thông tin khác:
Thiết kế web: OnIP™