Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạ
Chủ nhật, 24/11/2024
TIN TỨCTIN TRONG NƯỚC

Buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam: Nguyên nhân và giải pháp hiệu quả

Cập nhật lúc 08:57 29/11/2017
Thuốc lá gây ra hơn 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cam kết ngăn chặn nạn dịch thuốc lá để hướng tới một thế giới không khói thuốc. Tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là một biện pháp kiểm soát thuốc lá mạnh nhất và hiệu quả nhất để giảm hút thuốc.

Tuy nhiên, nhằm tiếp tục duy trì lợi nhuận và tối đã hóa lợi nhuận của mình các công ty thuốc lá luôn tìm cách cản trở, ngăn chặn hoặc làm suy yếu các biện pháp tăng thuế thuốc lá. Lý luận chính các công ty thuốc lá đưa ra là việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm tăng buôn lậu thuốc lá, thất thu ngân sách.

Dưới đây là phân tích của Tiến sĩ Kidong Park (ảnh), Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam về những nguyên nhân, giải pháp cho tình trạng thuốc lá lậu tại Việt Nam.

 

Tiến sĩ Kidong Park TS Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ảnh: WHO

 

Thuốc lá ngoại được buôn lậu vào Việt Nam để trốn thuế nhập khẩu

Trước tiên cần phân biệt giữa thuế nhập khẩu, chỉ áp dụng cho thuốc lá nhập khẩu, và các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng cho tất cả thuốc lá. Vì thuốc lá là sản phẩm độc hại, Chính phủ Việt Nam đang duy trì thuế nhập khẩu cao để hạn chế nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá ngoại.

Mức thuế nhập khẩu hiện đang duy trì ở mức 135% giá nhập khẩu. Sau khi áp thuế nhập khẩu, sẽ tiếp tục áp thuế TTĐB và thuế GTGT lên trên giá đã có thuế nhập khẩu. Vì vậy theo tính toán, nếu một bao thuốc có giá nhập khẩu ban đầu là 10 nghìn đồng thì sau khi áp các loại thuế, giá bán ra sẽ phải ở mức trên 50 nghìn đồng một bao.

Thuế suất thuế nhập khẩu cao làm cho thuốc lá ngoại nhập khẩu hợp pháp khó tiêu thụ vì giá bán cao, do đó tạo động lực gây ra buôn lậu thuốc lá.

Vì vậy, ngay cả khi thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hoặc cao vẫn sẽ có động lực mạnh mẽ để buôn lậu thuốc lá nhằm trốn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Do thói quen người dùng thích dùng một số nhãn thuốc lậu chính (hay còn gọi là “gu” hút thuốc).

Lý do “gu” hút thuốc được phản ánh trong 4 điểm dưới đây:

Thứ nhất: Kết quả điều tra tiêu dùng thuốc lá tại 12 tỉnh ở Việt Nam, tiến hành bởi trường Đại học Thương mại, cho thấy trên 70% người sử dụng thuốc lá lậu là do hương vị, tò mò, bạn bè mời.

Thứ hai: Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội thuốc lá, 80-90% số lượng thuốc lá lậu là thuộc vào hai nhãn Jet và Hero. Hai nhãn thuốc này có hàm lượng tar và nicotine rất cao, phù hợp với những người nghiện nặng thuốc lá.

Thứ ba: “gu” hút thuốc thể hiện qua yếu tố vùng miền. Số liệu điều tra Hút thuốc ở người trưởng thành GATS 2015 cho thấy 91.8% các nhãn thuốc Jet và Hero được tiêu thụ tại 2 vùng là Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Đặc biệt là có tới 75% lượng tiêu thụ của 2 nhãn này là trong phạm vi 10 tỉnh gồm: Bình Thuận, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, và Cần Thơ.

Hai tỉnh thành có lượng tiêu thụ thuốc lậu cao nhất là TP Hồ Chí Minh (chiếm 20,6% lượng tiêu thụ) và An Giang (chiếm 13,2% lượng tiêu thụ).

Và thứ tư: “Gu” hút thuốc thể hiện qua việc người hút thuốc sẵn sang trả giá cao hơn cho sản phẩm thuốc lậu thay vì sử dụng thuốc là hợp pháp giá thấp hơn. Cũng theo điều tra GATS, mức giá trung bình của Hero và JET cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%.

Quốc tế giải quyết tình trạng buôn lậu thuốc lá như thế nào?

Từ các điểm nêu trên chúng ta thấy, ở Việt Nam buôn lậu thuốc lá thực chất không có mối tương quan với mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hay thấp. Điều này cũng được thể hiện trong kinh nghiệm từ các quốc gia khác.

Qua phân tích số liệu từ 76 quốc gia WHO cho thấy tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao.

Hơn nữa, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao.

Ví dụ, ở Ý, buôn lậu thuốc lá ước tính ở mức cao (13%) vào năm 1992. Chính phủ đã quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá ba lần trong giai đoạn 1993-2000 để tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt lên 75,2% giá bán lẻ. Đồng thời, để chống lại buôn lậu, chính phủ Ý đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm việc giới thiệu mã vạch trên bao thuốc lá để giúp phát hiện thuốc lá bất hợp pháp; thông qua luật trong đố coi buôn lậu thuốc lá giống như các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác; tăng cường kiểm soát bờ biển và giám sát bổ sung bởi các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan này đã được tăng cường quyền lực, tăng cường về hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật. Chính phủ Italia cũng tăng cường hợp tác chặt chẽ với Liên minh Châu Âu EU về chống buôn lậu. Những nỗ lực này đã mở đường cho các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan tư pháp giải quyết vấn đề buôn lậu thuốc lá một cách hiệu quả. Do đó, tỷ lệ thuốc lá nhập lậu đã giảm xuống khoảng 3% vào năm 2000 và duy trì ở mức thấp kể từ đó.

Ở các nước ASEAN, chúng ta cũng có thể thấy được những ví dụ điển hình. Philippines tăng thuế thuốc lá hàng năm từ năm 2013 đến năm 2017, qua đó giúp tăng thu từ thuế thuốc lá lên 300%. Đồng thời, không có sự gia tăng đáng kể nào đối với buôn lậu thuốc lá. Thái Lan tăng thuế thuốc lá 11 lần (trung bình khoảng 2 năm một lần) trong giai đoạn 1993-2012. Doanh thu thuế thuốc lá tăng 400% nhưng không có vấn đề gì với buôn lậu thuốc lá.

Quan trọng hơn cả, ngay cả khi có buôn lậu, thì tăng thuế vẫn đạt được những hiệu quả mong muốn của việc tăng thuế: giảm sử dụng thuốc lá và tăng thu ngân sách từ thuế thuốc lá cho chính phủ.

Biện pháp kiểm soát buôn lậu hiệu quả ở Việt Nam

Thứ nhất, Việt Nam nên xem xét phê chuẩn Nghị định thư nhằm loại bỏ buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá. Đây là một nghị định thư nằm trong khuôn khổ Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 2004. Đến nay, 53 quốc gia đã ký kết nghị định thư này và 33 quốc gia đã phê chuẩn. Nghị định thư này được ước tính sẽ có hiệu lực vào năm 2018 sau khi nó được phê chuẩn bởi 40 quốc gia.

Hiệp định nhằm xóa bỏ mọi hình thức buôn lậu bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá. Nó cung cấp các công cụ để ngăn chặn thương mại bất hợp pháp bằng cách đảm bảo giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, bao gồm việc thiết lập một hệ thống giám sát quốc tế và một nhóm các biện pháp để thúc đẩy hợp tác quốc tế chống buôn lậu thuốc lá.

Thứ hai, Việt Nam cần củng cố việc kiểm soát buôn lậu tại cửa khẩu và tại các điểm bán lẻ thuốc lá. Đặc biệt, để kiểm soát có hiệu quả việc buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam, các cơ quan chức năng nên tập trung vào 10 tỉnh có buôn lậu thuốc lá cao như đã nêu trên.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nói "Chính phủ các nước trên thế giới cần thực thi các biện pháp mạnh để kiềm chế buôn lậu thuốc lá, vì nó đang làm trầm trọng thêm nạn dịch thuốc lá toàn cầu cùng với những hậu nghiêm trọng đối với sức khỏe và kinh tế xã hội do sử dụng thuốc lá gây ra".

Thứ ba, Việt Nam nên hợp tác với các nước láng giềng, những quốc gia đang được sử dụng làm nơi trung chuyển để đưa thuốc lá bất hợp pháp vào Việt Nam. Bước đầu cần trao đổi thông tin về nhập khẩu thuốc lá, về thương mại và về thuế thuốc lá, đồng thời cần hợp tác trong việc kiểm soát buôn lậu thuốc lá tại các cửa khẩu biên giới.

Tiến sĩ Kidong Park

Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam

Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
Thông tin khác:
Thiết kế web: OnIP™