Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạ
Thứ sáu, 24/01/2025
TIN TỨCTIN TRONG NƯỚC

Hội thảo Cập nhật thông tin về Ngày thế giới Không thuốc lá 31/5/2014

Cập nhật lúc 14:44 29/05/2014
Ngày 26/5/2014 và Ngày 28/5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Chương trình tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo cập nhật thông tin về ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2014 và thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Tham dự các hội thảo có sự tham gia của hơn 120 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí, truyền hình Trung ương và Hà Nội; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh quốc tế phòng chống Lao và Bệnh phổi; các tổ chức tham gia hoạt động PCTH thuốc lá: Đại học Y tế công cộng, Hội Y tế công cộng,  Tổ chức nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge Canada)  Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng (CDS).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá chủ trì hội thảo đã khai mạc và cập nhật tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đến tháng 5/2014. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau khi Luật PCTH thuốc lá được ban hành, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Luật PCTH thuốc lá. Hệ thống văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành đầy đủ, mạng lưới PCTH thuốc lá tại các tỉnh thành phố và các Bộ ngành đang được thiết lập, các chiến dịch truyền thông đã được triển khai trên toàn quốc nhằm phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo,  Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng cập nhật các thông tin về tình hình triển khai Luật PCTH thuốc lá, cam kết phối hợp chặt chẽ với Chương trình PCTH thuốc lá để tăng cường thực hiện Luật PCTH thuốc lá trong thời gian tới.
Hội thảo còn có một mục tiêu quan trọng là vận động các cơ quan truyền thông ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá - một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia cần thực hiện chính sách thuế và giá các sản phẩm thuốc lá như một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá. Bằng chứng từ các nước cho thấy thuế thuốc lá ở mức cao rất có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong nhóm đối tượng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tại Hội thảo, các chuyên gia của Chương trình PCTH thuốc lá đã đề xuất lộ trình tăng thuế thuốc lá năm 2015 và 2018.

Theo đó, để đạt được mục tiêu của chiến lược quốc gia về phòng chống thuốc lá đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới từ 47,4% xuống 39% vào năm 2020 (giảm khoảng 1% tỷ lệ hút thuốc lá mỗi năm từ năm 2012 đến năm 2020), mức thuế suất thuế TTĐB cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% vào năm 2018 và tiếp tục xem xét tăng thuế lên 155% vào năm 2020.

Theo ước tính, với lộ trình này, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm từ 47,4% hiện nay xuống 39% vào năm 2020, đạt mục tiêu quốc gia. Đồng thời sẽ ngăn ngừa được một số lượng đáng kể số thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc, giúp giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong dài hạn. Xét trên góc độ ngân sách nhà nước, tổng thu thuế thuốc lá có thể đạt 27.600 tỷ vào năm 2015 (tăng thêm 9.000 tỷ so với năm 2014). Tổng thu thuế thuốc lá vào năm 2018 có thể đạt 42.800 tỷ. Tổng mức thu thuế cho ngân sách nhà nước theo phương án này cao hơn nhiều so với phương án chỉ tăng thuế thêm 10% do Bộ Tài chính đề xuất.
Bế mạc Hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cảm ơn các cơ quan truyền thông , đại diện các Bộ, ngành và mong sẽ được tiếp tục hợp tác không chỉ lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá mà còn những lĩnh vực khác của ngành y tế. Cục trưởng đề cao công tác phòng chống tác hại thuốc lá – công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm được xem là hình mẫu được Bộ trưởng Bộ Y tế khen ngợi.  Đồng thời, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cũng hi vọng những thông điệp của Hội thảo sẽ được chuyển tới mọi người dân Việt Nam.


Tỷ lệ thuế thuốc lá của Việt Nam chiếm 41,6% trên giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng). Việt Nam là một trong 3 nước có mức thuế thuốc lá thấp nhất so với các nước trong khu vực (Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore  71%, Malaysia 57%, Philippine 53%, Indonesia 51%, Lào 43% ) và rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%, Úc 60%..)
Do thuế thuốc lá thấp, nên giá thuốc lá tại Việt Nam rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá và nhanh chóng trở thành người nghiện thuốc lá. Nhiều người trong số các em sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn về sức khỏe do sử dụng thuốc lá.
Do đó, tăng thuế chính là biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng thuế các sản phẩm thuốc lá giúp làm tăng nguồn thu ngân sách đáng kể cho Nhà nước.
 
 
 
 
 
Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
Thông tin khác:
Thiết kế web: OnIP™