Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạ
Thứ ba, 24/12/2024
TIN TỨCTIN TRONG NƯỚC

Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB

Cập nhật lúc 16:21 02/04/2014
Ngày 31 tháng 3 năm 2014, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, trong đó tập trung thảo luận về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá.
Chủ trì hội thảo có Ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính. Tham dự hội thảo có đại diện các Vụ/Cục của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Cục Quản lý thị trường, đại diện chi Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi, Chi Cục thuế thành phố Đà Nẵng. Ths.Bs Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá; GS.TS Nguyễn Bá Đức, chủ tịch hội ung thư Việt Nam. Đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam. Về phía các tổ chức Quốc tế, có bà Bungon Rithiphakdee, giám đốc Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA); Bà Phạm Hoàng Anh, giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam; Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; TS. Dương Khánh vân đại diện tổ chức The UNION.
 
Tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính trình bày Dự thảo Luật thuế TTĐB, trong đó có có 2 phương án tăng thuế. Phương án 1: dự kiến mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá sẽ nâng từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018. Phương án 2: áp dụng mức thuế tuyệt đối với bao thuốc lá xuất xưởng (bao 20 điếu) là 500 đồng/bao và nâng mức thuế suất tương đối từ 65% lên 70% và có lộ trình tăng 10% vào năm 2018.
 
Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, nếu theo các phương án trên, tiêu thụ thuốc lá chỉ giảm ở các năm tăng thuế 2015, 2018, và tăng trở lại ở các năm khác. Tính chung cho cả giai đoạn 2014-2020 hầu như không có tác dụng giảm tiêu dùng. Cũng theo tính toán, chỉ để giữ sức mua không đổi, mức thuế suất thuế TTĐB cần tăng từ 65% lên 85% vào năm 2015 và tăng thành 105% từ năm 2018, bởi nếu tính đến yếu tố lạm phát và sức mua người tiêu dùng ngày càng tăng, thuốc lá đang ngày càng trở nên dễ mua được hơn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, mức thuế này chỉ là để giữ cho sức mua không đổi, còn tỷ lệ hút thuốc giảm không đáng kể, không đạt được mục tiêu quốc gia. Theo phương án đề xuất của Chương trình PCTH thuốc lá và các chuyên gia, để góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm tỷ lệ hút thuốc nam giới từ 47,4% xuống 39,0%)  cần phải tăng thuế mạnh hơn để giảm sức mua, tăng giá thuốc lá thực tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng thu nhập thực tế. Vì vậy, mức thuế suất thuế TTĐB cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và tăng lên thành 145% từ năm 2018. Quan trọng hơn, với mức giảm này, số người hút thuốc sẽ giảm từ 15,3 triệu xuống còn 13,1 triệu và sẽ cứu sống được 726  nghìn người.

      Liên quan đến vấn đề tăng thuế có làm tăng buôn lậu thuốc lá hay không? Đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng tăng thuế làm tăng buôn lậu thuốc lá và đề xuất chưa tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu tại 76 quốc gia năm 2013 cho thấy tình trạng buôn lậu xảy ra không chỉ ở những nước có mức thuế cao mà còn ở cả những nước có mức thuế thấp. Trong đó ở những nước có mức thuế cao, tình trạng buôn lậu lại xảy ra ít hơn những nước có mức thuế thuốc lá thấp. Điều này cho thấy không có mối liên quan trực tiếp giữa việc tăng thuế và tăng buôn lậu. Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng nhấn mạnh: Buôn lậu thuốc lá còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: Hiệu quả của hoạt động kiểm soát buôn lậu, khả năng kiểm soát tại các biên giới; Khả năng kiểm soát mạng lưới bán lẻ thuốc lá tại các quốc gia; Mức độ minh bạch hay tham nhũng trong công tác chống buôn lậu của các nước.

Về vấn đề này, đại diện Chương trình PCTH thuốc lá, Ths. Bs Phan Thị Hải cũng cho biết, tại Việt Nam, việc tăng giá thuốc lá không phải là lý do chủ yếu làm tăng buôn lậu vì: Sản phẩm thuốc lá buôn lậu Hero và JET chiếm hơn 90% tổng thị trường thuốc lá lậu, trong đó mức giá trung bình của Hero và JET cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%.

Điều tra người sử dụng thuốc lá lậu tại 12 tỉnh/thành phố cho thấy: hơn 70% người hút thuốc lá lậu là do hương vị hợp “gu” sử dụng, do tò mò hoặc do bạn bè mời và chỉ có 15% sử dụng thuốc lá lậu là do giá cả. Điều này cho thấy tại Việt Nam hương vị  hay còn gọi là “Gu hút” tác động nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng thuốc lá lậu, chứ không phải giá cả.
 
    GS.TS Nguyễn Bá Đức, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, nguyên giám đốc Bệnh viện K cho biết ung thư phổi là một trong những loại ung thư chiếm nhiều nhất trong các bệnh ung thư của nam giới Việt Nam, điều này dễ lý giải bởi Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao nhất trên thế giới. Thống kê tại viện K cho thấy, Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%; không hút thuốc lá: 3,2%.
 
      Từ các bằng chứng khoa học và thực tiễn, đại diện Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cùng các chuyên gia đều kiến nghị cần phải tăng thuế để góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc theo mục tiêu quốc gia, ngăn ngừa thanh thiếu niên, người nghèo hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và các tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá không chỉ cho bản thân người hút thuốc mà còn cho cả gia đình họ và toàn xã hội. Đồng thời công tác chống buôn lậu phải tập trung vào các biện pháp như: Tăng cường kiểm soát mạng lưới bán lẻ, phạt nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá lậu; Tăng cường truyền thông quy định về cấm kinh doanh thuốc lá lậu cho người bán lẻ và công chúng; Tăng cường và thực thi nghiêm các quy định về kiểm soát buôn lậu; Áp dụng các hình thức xử phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống buôn lậu thuốc lá. Không thể lấy lý do tăng buôn lậu để trì hoãn việc tăng thuế - một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá
 
      Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Phạm Đình Thi nhấn mạnh hiện còn khoảng cách khá xa giữa mức tăng thuế trong dự thảo và mức tăng thuế theo đề xuất của Bộ Y tế. Việc tăng thuế nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc và tăng thu cho ngân sách nhà nước là mục tiêu chung của ban soạn thảo. Việc tăng thuế dẫn đến tăng buôn lậu tuy nhiên, mức độ tăng buôn lậu còn phụ thuộc vào quy định, năng lực tổ chức triển khai công tác chống buôn lậu. Theo kế hoạch, dự thảo Luật sẽ được trình Chính phủ vào tháng 5 năm 2014.
 
 
 
 
Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
Thông tin khác:
Thiết kế web: OnIP™