PGS. Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự
Viện Lao và bệnh phổi Trung ương
ĐẶT VẤN ĐỀ
Việt Nam đã sớm nhận thức được những thiệt hại do thuốc lá gây ra và đã có nhiều quan tâm đến các chiến lược dự phòng tác hại của thuốc lá. Chỉ thị số 08/2001/CT-BYT ngày 3/8/2001 về đẩy mạnh công tác dự phòng tác hại của thuốc lá trong ngành y tế của Bộ trưởng Bộ Y tế về một trong số các chính sách và quyết điịnh đóng góp vào thành quả của chương trình kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam. Chỉ thị này nêu rõ các hoạt động truyền thông giáo dục về phòng chống thuốc lá và chỉ ra rằng ngành y tế được coi như một tấm gương trong công tác dự phòng tác hại của thuốc lá.
MỤC TIÊU
1. Đánh giá tình hình thực hiện chỉ thị trong 5 năm bao gồm sự thích hợp, khả thi của việc thực hiện chỉ thị 08/2001/CT-BYT tại một số cơ sở y tế; từ đó đưa ra các khuyến nghị để sửa đổi và bổ sung chỉ thị cho phù hợp với thực tế của các cơ sở y tế.
2. Phát triển và thử nghiệm công cụ đánh giá được sử dụng để thu thập thông tin cho phân tích mối liên quan giữa hút thuốc lá và tình hình mắc bệnh và tử vong ở bệnh viện; từ đó áp dụng các công cụ này cho các đánh giá tiếp theo.
PHƯƠNG PHÁP
Để đạt được mục tiêu 1, một nghiên cứu hành động đã được thực hiện với sự kết hợp hai phương pháp định tính và định lượng. Đánh giá được thực hiện ở một số đơn vị y tế tuyến trung ương (VINACOSH, Vụ Điều trị, Viện chiến lược và chính sách y tế, Công đoàn y tế Việt Nam), 3 bệnh viện trung ương ( Viện Lao và bệnh phổi trung ương, viện tim mạch, bệnh viện K ), 3 bệnh viên đa khoa tỉnh (Hà Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng), 3 bệnh viện huyện (Kim Bảng, Hòa Vang, và Lạc Dương) và 1 bệnh viện tư nhân ở Hà Nội (Tràng An ). 50 cuộc phỏng vấn sâu vơi các lãnh đạo, nghiên cứu viên, nhân viên y tế và bệnh nhân ở các cơ sở y tế đã được thực hiện. Tại mỗi cơ sở y tế được chọn, 1 cuộc thảo luận nhóm được tổ chức với sự tham gia của các lãnh đạo và nhân viên y tế. Quan sát được thực hiện nhằm thu thập các thông tin về tình hình hút thuốc trong nhân viên y tế trong và ngoài khoa phòng bệnh viện, về các hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá, quy định“không hút thuốc lá” và bán thuốc lá trong bệnh viện. Phỏng vấn định lượng với các nhân viên y tế về tình hình hút thuốc của họ trong 2 năm gần đây, kinh phí hàng năm cho hoạt động truyền thông về tác hại của hút thuốc lá, số lượng các hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá. Xem xét các tài liệu sẵn có cũng đã được thực hiện để xem xét và thảo luận sự khả thi và thích hợp của chỉ thị 08/2001/CT – BYT.
Mục tiêu thứ 2 được thực hiện thông qua các cuộc họp với các nhà lâm sàng, cán bộ thống kê và các nhà quản lý bệnh viện để xác định các chỉ số cần thiết để mô tả và phân tích mối liên quan giữa hút thuốc lá và tình hình mắc bệnh và tử vong.
KẾT QUẢ
- Sự ban hành chỉ thị này đã có những ảnh hưởng tích cực đến công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ hút thuốc trong nhân viên y tế giảm đi rõ rệt sau 6 năm thực hiện chỉ thị. Kiến thức của cán bộ y tế và bệnh nhân được cải thiện.
- Do không có những hướng dẫn chung nên các cơ sở y tế không thực hiện chỉ thị theo cùng một mô hình. Mặc dù các hoạt động truyền thông không được thực hiện đều đặn các hoạt động truyền thông về tất cả các nội dung: tác hại của thuốc lá, quy định “không hút thuốc” trong phòng bệnh nhân và nơi khám bệnh, không bán thuốc lá trong bệnh viên đều đã được thực hiện.
- Tập huấn cho các cán bộ y tế về tác hại của thuốc lá và tư vấn giảm hút thuốc ở bệnh nhân được thực hiện rộng rãi nhưng mới chỉ tập trung vào dự phòng tác hại của thuốc lá.
- Chỉ thị được thực hiện tốt và hệ thống hơn khi có sự tham gia trực tiếp của Công đoàn y tế trong giai đoạn phát triển và cam kết xây dựng cơ sở y tế không hút thuốc.
- Do thiếu sự đầu tư tài chính và thiếu các hướng dẫn tài chính cụ thể cho việc thực hiện chỉ thị, hoạt động chủ yếu là hoạt động giám sát cuối năm.
- Công cụ đánh giá đã phát triển thích hợp và khả thi cho sử dụng tại các cơ sở y tế vì công cụ này đơn giảm, thuận tiện, có sự thống nhất với các bác sĩ điều trị, cung cấp đủ số liệu cho phân tích tình hình hút thuốc và mối liên quan với tình hình mắc bệnh và tử vong.
KHUYẾN NGHỊ
Để đẩy mạnh chỉ thị 08/2001/CT – BYT cần tiến hành những hoạt động sau:
1. Nâng cấp chỉ thị từ cấp Bộ lên chỉ thị cấp Chính phủ.
2. Cần bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh hiện tại và cần có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
3. Ban Điều hành thực hiện chỉ thị này cần được lồng ghép với một Ban Điều hành nào đó đang có tại các cơ sở y tế. Ví dụ như Ban Điều hành chống lao tỉnh.
4. Cần phát triển thông tư liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính về khoản kinh phí thường xuyên cho hoạt động dự phòng tác hại của thuốc lá tại cấp tỉnh, bao gồm cả kinh phí cho thực hiện chỉ thị 08/2001/CT - BYT.
5. Cần đưa các quy định của chỉ thị 08/2001/CT - BYT vào tiêu chuẩn xét thi đua; và các hoạt động đánh giá hàng năm và tổng kết cuối năm cần được thực hiện từ trung ương đến địa phương.
6. Chương trình dự phòng tác hại của thuốc lá cần chi phí cho thực hiện mô hình này tại một số cơ sở y tế, sau đó việc thực hiện chỉ thị cần được mở rộng dựa trên kinh nghiệm thu được.
7. Tại các cơ sở y tế cần huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội như công đoàn, đoàn thanh niên, các tổ chức quân y trong việc thực hiện chỉ thị này.
Báo cáo nghiên cứu chi tiết xin liên hệ với Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá - ĐT: 04.7367456