Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạ
Thứ ba, 26/11/2024
TIN TỨCTIN TRONG NƯỚC
Đề xuất cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá mới

Đề xuất cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá mới, tránh cho cả một thế hệ tương lai nghiện nicotine

Cập nhật lúc 16:50 05/07/2024
SKĐS - Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nhiều diễn biến phức tạp và gia tăng trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá mới trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn.

Ngày 5/7, Vụ Pháp chế phối hợp cùng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này.

Hội thảo nhằm cung cấp thêm thông tin đến người dân về tác hại của thuốc lá mới, giúp người dân phòng, tránh tiếp cận các sản phẩm độc hại trong khi cơ quan quản lý đang đề xuất ban hành chính sách quản lý các sản phẩm này.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo
 

Thuốc lá mới tiếp cận giới trẻ, nhiều ca nhập viện nguy kịch

Theo các chuyên gia, hiện nay do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này đang được nhập lậu vào Việt Nam, tiếp cận giới trẻ dẫn đến tình trạng nhập viện gia tăng do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận, cấp cứu rất nhiều trường hợp ngộ độc cấp sau dùng thuốc lá điện tử. Các biểu hiện nhẹ thì lơ mơ, rối loạn ý thức, kích động, la hét, ảo giác, không kiểm soát được hành vi…; một số trường hợp nặng rơi vào hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận, đột quỵ não…

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thống kê mới nhất có tới 700 các loại ma túy cần sa tổng hợp nhưng hiện tại ở Việt Nam chúng ta mới xác định được khoảng 200 chất.

Đáng lo ngại hơn nữa là sự xuất hiện các chất can thiệp cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, làm tăng tác dụng ma túy của cần sa tổng hợp.

Thuốc lá điện tử với mẫu mã đa dạng, bắt mắt khiến giới trẻ yêu thích và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc, nhiều người phải nhập viện.


 

Chuyên gia chống độc khẳng định, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác hoàn toàn có hại sức khỏe. Nó mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác. Đồng thời làm nặng, phức tạp thêm vấn đề thuốc lá thông thường, ma túy. Vì vậy tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này.

Hiện nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử (như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…). Điển hình, Trung Quốc là quốc gia phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất trên thế giới nhưng đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử).

"Cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam. Cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi…" – TS. Nguyên nêu rõ quan điểm.

Ngăn chặn kịp thời, tránh cho cả một thế hệ tương lai nghiện nicotine

ThS. Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm và cần khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời. Điều này sẽ tránh cho cả một thế hệ tương lai nghiện nicotine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.

Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới. Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo chuyên gia pháp chế, hiện nay việc quy định hành vi cấm được quy định tại Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đang được quy định tại Luật Đầu tư và thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên nội dung quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Để kịp thời có biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới, Bộ Y tế nhận thấy việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật "Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội" là phù hợp với thẩm quyền.

ThS. Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ
tại hội thảo.

Sau khi nghiên cứu và trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngày 22/5/2024, Bộ Y tế đã có báo cáo số 626/BC-BYT trình Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh Nghị quyết, cần giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác; quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, cấm các thiết bị điện tử và dung dịch điện tử, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

"Cần phải quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bao gồm mọi tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi lẽ, nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng; không bán cho người dưới 18 tuổi hay không sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, tạo "cửa ngõ" cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác" – ThS. Thủy nói.

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục ban hành Nghị quyết, theo ThS. Thủy, trong trường hợp trình Nghị quyết của Quốc hội theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải có bước lập hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, rút ngắn được thời gian xây dựng và ban hành văn bản, đáp ứng kịp thời tính cấp thiết ngăn chặn sản phẩm độc hại này trong thực tế.

Đề xuất cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá mới

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện vì làm người sử dụng lệ thuộc chất gây nghiện là nicotine. Không có một sản phẩm thuốc lá nào là sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Với mẫu mã đa dạng, các loại thuốc lá mới rất hấp dẫn thanh thiếu niên, tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác. Việc sử dụng các loại thuốc là này còn có nguy cơ cao phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội.

"Không có một sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe..." - TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nói.

Theo TS. Khoa, các sản phẩm thuốc lá mới ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người sử dụng do sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất. Nhiều bằng chứng cho thấy chúng không chỉ gây bệnh mạn tính đối với người sử dụng như thuốc lá điếu thông thường mà còn gây ra các bệnh cấp tính và nhiều bệnh khác...

Chính vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội và Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn. Cụ thể: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng góp phần hạn chế sự gia tăng sử dụng các sản phẩm này, là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời việc sử dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.

 

Khuyến nghị của WHO với Việt Nam

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng chống tác hại của thuốc lá trong những năm gần đây.

Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.

Chính vì vậy, WHO khuyến nghị: Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết vào trong Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống

 
Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
Thông tin khác:
Thiết kế web: OnIP™