Thứ tư, 11/09/2024 |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, Việt Nam luôn xác định phòng, chống tác hại thuốc lá là vấn đề y tế công cộng được quan tâm hàng đầu.
Được sự hỗ trợ và đồng hành của Quỹ Bloomberg Philanthropies trong 10 năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã dần hoàn thiện, đánh dấu bằng sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 với các quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá, các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nhờ đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận như mạng lưới về phòng, chống tác hại thuốc lá được thành lập với hơn 20 bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội, 63 tỉnh, thành phố.
Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các sự kiện truyền thông tại cộng đồng đã được các địa phương chủ động lồng ghép vào các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch.
Những kết quả trong hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như những nỗ lực của Bộ Y tế, của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Những thành quả này có phần hỗ trợ rất lớn của Quỹ Bloomberg Philanthropies và các tổ chức quốc tế và trong nước.
Bên cạnh những thành công nhất định trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá còn chưa được thường xuyên; giá thuốc lá rẻ, bày bán khắp nơi; vi phạm quảng cáo, trưng bày tại điểm bán còn phổ biến.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, đặc biệt là nam giới. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nữ giới gia tăng. Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đang đe doạ những thành quả hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá của Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê bày tỏ và mong muốn Quỹ Bloomberg Philanthropies và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là vấn đề tăng thuế thuốc lá; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới trên cả các phương tiện truyền thông truyền thống và mạng xã hội.
Quỹ Bloomberg Philanthropies và các tổ chức quốc tế tiếp tục tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực hiện các chính sách giảm cung và giảm cầu đối với các sản phẩm thuốc lá. Tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực cho Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và mạng lưới cán bộ tham gia công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của Việt Nam…
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại thuốc lá điện tử đang có xu hướng tăng nhanh trong đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Theo các chuyên gia, cần phải có sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống tác hại thuốc lá và cần tạo ra một phong trào rộng khắp.
Cung cấp báo giá dịch vụ khám sức khỏe đình kỳ 2024 |