Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạ
Thứ bẩy, 23/11/2024
NGHIÊN CỨU DỊCH TỄ VÀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Điều tra toàn cầu về tình hình hút thuốc lá của sinh viên Y khoa, nghiên cứu tại Việt Nam, năm 2006

Cập nhật lúc 12:27 22/04/2013

BS. Phan Thị Hải, TS. Lý Ngọc Kính

ĐẶT VẤN ĐỀ
Cán bộ Y tế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn, thuyết phục bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như cộng đồng về bỏ hút thuốc lá. Do vậy, một trong những chiến lược có hiệu quả nhằm làm giảm số trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá là tăng cường sự tham gia của các cán bộ y tế trong việc phòng và chống hút thuốc lá. Tuy nhiên, những thông tin và số liệu về tỉ lệ hút thuốc, kiến thức và thái độ của cán bộ ngành y tế cũng như sinh viên y khoa về hút thuốc còn khá hạn chế.
 
Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ, và Hiệp hội Y tế công cộng Canada đã xây dựng Điều tra toàn cầu trong cán bộ ngành y (GHPSS) để thu thập những số liệu về tình hình hút thuốc lá và tư vấn bỏ hút thuốc trong sinh viên y khoa ở tất cả các nước thành viên của TCYTTG. GHPSS là một phần trong Hệ thống giám sát toàn cầu về thuốc lá.
 
MỤC TIÊU
Ở Việt Nam, cuộc điều tra này được tiến hành nhằm:
  1. Đánh giá tỉ lệ hiện hút thuốc của sinh viên y khoa;
  2. Đánh giá mức độ phơi nhiệm của sinh viên y khoa đối với thuốc lá trong các môi trường và địa điểm khác nhau;
  3. Đánh giá quan điểm, thái độ của sinh viên y khoa đối việc việc tham gia vào các hoạt động phòng chống thuốc lá;
  4. Đánh giá về đào tạo, kỹ năng tư vấn và điều trị bỏ thuốc lá trong sinh viên y khoa.
PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu được tiến hành trong tháng 11 và 12 năm 2006. Tổng số có 1430 sinh viên y năm thứ 3 của 6 trường ĐH Y trên toàn quốc đã được phỏng vấn sử dụng bộ câu hỏi chuẩn.  
 
KẾT QUẢ
Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá khá cao trong sinh viên y khoa. Tỉ lệ đã từng hút thuốc ở nam sinh viên là 57,1%, hiện hút là 20,7%, ở nữ sinh viên, tỉ lệ này tương ứng là 19,8% và 2,7%. Khoảng 70% đến 80% sinh viên cho biết trường họ đã có những chính sách và biện pháp cấm hút thuốc lá nhưng chưa được thực hiện có hiệu quả. Trên 60% sinh viên có phơi nhiễm với hút thuốc lá thụ động tại nhà trong tuần trước phỏng vấn, trong khi kết quả này từ cuộc điều tra tương tự năm 2003 là 53%. Khoảng 70% sinh viên đang hút thuốc nói có ý định bỏ thuốc và 73,8% đã cố gắng bỏ thuốc trong năm. Mặc dù có tới 92% sinh viên cho rằng các cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức về tư vấn bỏ thuốc lá nhưng chỉ có 79,9% nói rằng có quan tâm đến tiền sử hút thuốc lá của bệnh nhân khi hỏi bệnh.
 
KHUYẾN NGHỊ
Thuốc lá là một nguyên nhân gây tử vong sớm hoàn toàn có thể phòng tránh được và cán bộ ngành y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bỏ thuốc lá cũng như giảm tử vong do hút thuốc. Chương trình Phòng chống Thuốc lá quốc gia và những cơ quan có liên quan cần phát triển những chương trình hỗ trợ bỏ thuốc lá cho sinh viên y khoa. Các nội dung về kỹ năng phòng chống và bỏ thuốc lá cần phải đưa vào chương trình đào tạo cho sinh viên y khoa. Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc phát triển những biện pháp phòng chống hút thuốc tại trường học, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thực hiện. Các bộ ngành liên quan cần tăng cường việc thực hiện chính sách cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi. Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Thương mại và Chương trình Phòng chống Thuốc lá quốc gia cần tăng cường việc cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá tại Việt Nam, đặc biệt lưu ý đến phụ nữ.
 
 Để biết Báo cáo chi tiết xin liên hệ Văn Phòng Chương trình PCTH thuốc lá - ĐT: 04. 7367456
Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
Thông tin khác:
Thiết kế web: OnIP™