Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạ
Thứ ba, 03/12/2024
TIN TỨCTIN TRONG NƯỚC

Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Cập nhật lúc 14:30 27/11/2019
Ngày 14/11/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan thông tấn báo đài Trung ương, Hà Nội dự và đưa tin.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Năm năm qua, kể từ khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2,1% vào năm 2015 so với năm 2010. Trung bình hơn 90% cán bộ, công viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật.

Đến nay, đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường hiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc. Hiện nay, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm năm qua đã có 195 nghìn công nhân viên chức lao động bỏ thuốc lá, hơn hai trăm nghìn đoàn viên, công nhân viên chức giảm hút thuốc lá. Báo cáo điều tra Tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ phơi hiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa phương: tại gia đình giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc từ 55,9% xuống còn 42,6%, tại cơ sở y tế từ 23,6% xuống 18,4%..

     Báo cáo tại Hội nghị, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay mạng lưới tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá quốc gia gồm 24 bệnh viện, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn. 10 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá hằng năm.

“Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiến hành nghiên cứu sử dụng phương pháp điều trị nhĩ trâm kết hợp xoa bóp bấm huyệt và tư vấn cai nghiện thuốc lá, tỷ lệ cai thuốc lá là 67,2% đạt tốt và 5% đạt khá”.

Giai đoạn 2015-2018, theo báo cáo của 06 bệnh viện, đã có hơn năm nghìn số lượt tư vấn tại phòng tư vấn cai nghiện và tại các khoa lâm sàng, gần 45 nghìn lượt tư vấn qua tổng đài. Số ca cai nghiện thuốc lá thành công từ một năm trở lên là 842 bệnh nhân.

Các Bộ, Ngành và địa phương đã có sự hưởng ứng tích cực đưa Luật vào cuộc sống, nhưng tính nghiêm minh và chế tài xử lý vẫn còn nhiều vấn đề.

Mặc dù giá bán thuốc lá tối thiểu đã được điều chỉnh tăng và đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2013, nhưng giá bán tối thiểu và mức điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt còn thấp và giá xuất xưởng thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.

Trong khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu ngoại qua biên giới vẫn còn phức tạp. Cho đến nay, việc thực hiện thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu chưa được thực hiện, còn tồn sáu triệu bao chưa được xử lý.

Chế tài xử lý vi phạm được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Lực lượng thanh tra mỏng, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc.

Các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc, làm giảm sự tiếp cận của luật đối với tuyến dưới

PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng, và quản lý chặt thuốc lá làm nóng. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá.

Để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường Internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ…

Tại Hội nghị, 24 tập thể và 30 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá./.


  •  
     
Trang inGửi bạn bè Chia sẻ trên facebook  Chia sẻ trên twitterThảo luậnXem thảo luận
Thông tin khác:
Thiết kế web: OnIP™