Thứ bẩy, 12/10/2024 |
Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005.
Mục tiêu của Công ước: Nhằm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khoẻ, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc.
Giới thiệu về công ước khung
Văn bản này đã được đưa ra tại phiên họp toàn thể cuối cùng của vòng đàm phán thứ sáu Cơ quan Đàm phán Liên Chính phủ vào ngày 1 tháng 3 năm 2003. Hội nghị đã đồng ý rằng văn bản này sẽ được chuyển tới Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 56 vào tháng 5 năm 2003.
Quyết tâm dành ưu tiên cho quyền bảo vệ sức khoẻ công cộng,
Nhận thức rằng sự lan rộng của nạn dịch thuốc lá là một vấn đề toàn cầu với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ công cộng, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế và sự tham gia rộng rãi nhất của tất cả các nước trong một nỗ lực quốc tế hữu hiệu, phù hợp và toàn diện để đối phó với nạn dịch này,
Phản ánh mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về các hậu quả tàn phá trên qui mô toàn thế giới về sức khoẻ, xã hội, kinh tế và môi trường do việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc gây ra,
Hết sức lo ngại về sự gia tăng trong tiêu thụ và sản xuất thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển, cũng như trước gánh nặng mà tình trạng này gây ra đối với các gia đình, người nghèo và các hệ thống y tế quốc gia,
Nhận thức rằng các bằng chứng khoa học đã chứng minh một cách rõ ràng rằng việc sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc là nguyên nhân dẫn đến tử vong, bệnh tật và tàn phế và rằng có một khoảng cách về thời gian từ khi bắt đầu phơi nhiễm với khói thuốc và những sử dụng khác của sản phẩm thuốc lá đến khi có các biểu hiện về các bệnh tật liên quan đến thuốc lá,
Cũng nhận thức rõ rằng thuốc lá và một số sản phẩm khác chứa thuốc lá được chế tạo một cách tinh xảo nhằm mục đích tạo ra và duy trì sự phụ thuộc vào thuốc lá và rằng nhiều hợp chất chứa trong thuốc lá và khói do thuốc lá sinh ra có hoạt tính dược lý, độc hại, gây biến đổi gen và gây ung thư, và rằng riêng sự phụ thuộc vào thuốc lá đã được xếp loại là một tình trạng rối loạn trong các phân loại về bệnh tật của quốc tế .
Công nhận rằng có bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy việc phụ nữ có thai phơi nhiễm với khói thuốc sẽ gây hại đối với sức khoẻ và điều kiện phát triển của trẻ em,
Lo ngại sâu sắc về sự gia tăng trong việc hút thuốc lá và các hình thức sử dụng thuốc lá khác ở trẻ em và thiếu niên toàn cầu, đặc biệt là việc hút thuốc ở các lứa tuổi ngày càng trẻ.
Báo động về tình trạng gia tăng hút thuốc và các hình thức sử dụng thuốc lá khác trong phụ nữ và thiếu nữ trên toàn thế giới và nhận thức rõ nhu cầu phải có sự tham gia đầy đủ của phụ nữ tại tất cả các cấp của quá trình hình thành và thực hiện chính sách và nhu cầu phải có các chiến lược chú trọng tới vấn đề giới trong kiểm soát thuốc lá.
Lo ngại sâu sắc về mức độ cao về hút thuốc lá và sử dụng thuốc lá dưới các dạng khác trong những người bản xứ,
Lo ngại sâu sắc về tác động của tất cả các hình thức quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ nhằm khuyến khích sử dụng các sản phẩm thuốc lá,
Nhận thức rằng cần phải có hành động hợp tác nhằm xóa bỏ tất cả các hình thức buôn bán bất hợp pháp thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác, bao gồm buôn lậu, sản xuất bất hợp pháp và sản xuất thuốc lá giả,
Nhận thức rõ rằng việc kiểm soát thuốc lá ở tất cả các cấp và đặc biệt là tại các nước đang phát triển và tại các nước có nền kinh tế trong thời kỳ quá độ đòi hỏi phải có đủ các nguồn lực tài chính và kỹ thuật tương xứng với các nhu cầu hiện tại và nhu cầu dự báo cho các hoạt động kiểm soát thuốc lá,
Nhận rõ sự cần thiết xây dựng những cơ chế phù hợp nhằm giải quyết các hệ luỵ lâu dài về kinh tế và xã hội của các chiến lược giảm cầu thuốc lá thành công,
Quan tâm đến những khó khăn về kinh tế và xã hội mà các chương trình kiểm soát thuốc lá có thể gây ra trong thời gian trung hạn và dài hạn tại một số nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế trong thời kỳ quá độ và nhận thức rõ nhu cầu được hỗ trợ về tài chính, và kỹ thuật của các nước này trong các chiến lược phát triển quốc gia bền vững.
Ý thức rõ về việc làm có giá trị mà nhiều Quốc gia đang tiến hành để kiểm soát thuốc lá và ca ngợi vai trò lãnh đạo của TCYTTG cũng như nỗ lực của các tổ chức và cơ quan khác trong hệ thống Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế các tổ chức liên chính phủ khu vực khác trong việc xây dựng các biện pháp kiểm soát thuốc lá,
Nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng đặc biệt của của các tổ chức phi chính phủ và các thành viên khác trong xã hội dân sự không gắn kết với ngành công nghiệp thuốc lá bao gồm các hội chuyên môn y tế, các tổ chức phụ nữ, thanh niên, các nhóm về môi trường và người tiêu dùng và các cơ sở y tế và các viện nghiên cứu vào các nỗ lực kiểm soát thuốc lá quốc gia và quốc tế, và tầm quan trọng thiết yếu của sự tham gia của các tổ chức này trong các nỗ lực kiểm soát thuốc lá quốc gia và quốc tế,
Nhận thức nhu cầu phải cảnh giác đối với bất kỳ cố gắng nào của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm làm suy yếu hoặc phá hoại các cố gắng kiểm soát thuốc lá và nhu cầu cần được thông tin về các hoạt động của ngành công nghiệp thuốc lá mà những hoạt động này có tác động tiêu cực đối với các nỗ lực kiểm soát thuốc lá.
Nhắc lại Điều 12 của Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Văn hoá và Xã hội do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966 khẳng định quyền của tất cả mọi người được hưởng mức độ sức khoẻ về thể lực và tâm thần cao nhất mà họ có thể đạt được.
Khẳng định lại Lời nói đầu trong Hiến chương của TCYTTG, nêu rõ việc đạt được mức độ cao nhất về sức khoẻ là một trong những quyền cơ bản của mỗi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, điều kiện kinh tế hoặc xã hội,
Quyết tâm tăng cường các biện pháp kiểm soát thuốc lá dựa trên việc xem xét các điều kiện phù hợp hiện tại về khoa học, kỹ thuật và kinh tế.
Nhắc lại Công ước về Loại bỏ Mọi Hình thức Phân biệt đối xử chống Phụ nữ do ĐHĐ Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1979 quy định rằng các Quốc gia tham gia Công ước này sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp để loại bỏ sự phân biệt đối xử chống phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.
Nhắc lại thêm rằng Công ước về Quyền Trẻ em do ĐHĐ Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989, quy định rằng các Quốc gia tham gia Công ước này công nhận quyền của trẻ em được hưởng mức độ sức khoẻ cao nhất có thể có được.
Đã đồng ý như sau:
2. Nội dung công ước
Điều 1: Sử dụng các thuật ngữ
Đối với các mục đích của Công ước này:
(a) "buôn bán trái phép" có nghĩa là bất kỳ việc hành nghề hoặc một hành vi nào bị luật pháp cấm mà có liên quan đến việc sản xuất, chuyên chở, nhận , sở hữu, phân phối, bán hoặc mua bao gồm bất kỳ việc hành nghề hoặc hành vi nào nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trên.
(b) “tổ chức hội nhập kinh tế khu vực” có nghĩa là một tổ chức bao gồm các quốc gia có chủ quyền và đối với tổ chức này các Quốc gia Thành viên đã chuyển giao năng lực trong một loạt các vấn đề bao gồm thẩm quyền đưa ra những quyết định ràng buộc đối với các Quốc gia Thành viên liên quan đến những vấn đề đó; [1]
(c) "quảng cáo và khuyến mãi thuốc lá" có nghĩa là bất kỳ một hình thức thông tin, khuyến cáo hay hành động thương mại nào với mục đích, hiệu quả hoặc có thể gây hiệu quả trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khuyến mãi một sản phẩm thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá;
(d) "kiểm soát thuốc lá" có nghĩa là một loạt các chiến lược giảm cung, cầu, và tác hại của thuốc lá nhằm tăng cường sức khoẻ cho nhân dân bằng cách loại trừ hoặc giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá hoặc giảm phơi nhiễm với khói thuốc lá.
(e) "công nghiệp thuốc lá" có nghĩa là các cơ sở sản xuất , các đại lý phân phối bán buôn và các nhà nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá.
(f) "các sản phẩm thuốc lá" có nghĩa là các sản phẩm được hoàn toàn hoặc phần nào tạo ra từ vật liệu lá thuốc được sản xuất để dùng cho việc hút, mút, nhai hoặc hít;
(g) "tài trợ của các hãng thuốc lá" có nghĩa là bất kỳ hình thức đóng góp trực tiếp hay gián tiếp nào vào bất kỳ sự kiện, hoạt động hoặc cá nhân nào với mục đích, hiệu quả hoặc có thể gây hiệu quả để khuyến mại cho một sản phẩm thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
Điều 2: Mối quan hệ giữa Công ước này và các hiệp ước và các văn kiện pháp lý khác
1. Để bảo vệ tốt hơn cho sức khoẻ con người, các Bên được khuyến khích thi hành các biện pháp khác ngoài các biện pháp được yêu cầu trong Công ước này và các nghị định thư có liên quan, và không có qui định nào trong các văn kiện này ngăn cản một Bên áp đặt những yêu cầu chặt chẽ hơn nhất quán với các điều khoản của các văn kiện đó và phù hợp với luật pháp quốc tế.
2. Các điều khoản của Công ước này và các nghị định thư có liên quan hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền của các Bên tham gia vào các hiệp định song phương hoặc đa phương, bao gồm cả các hiệp định khu vực hoặc tiểu khu vực, về các vấn đề phù hợp hoặc bổ sung cho Công ước và các nghị định thư có liên quan, với điều kiện là các hiệp định đó tương xứng với nghĩa vụ của các Bên theo Công ước và các nghị định thư có liên quan. Các Bên liên quan sẽ truyền đạt các hiệp định như vậy với Hội nghị các Bên thông qua Ban Thư ký.
Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sử dụng thuốc lá cao. Tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm. |