Thứ tư, 11/09/2024 |
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe như điều mọi người đều biết là làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh ung thư, tim mạch và phổi. Nếu bạn không hút thuốc thì đừng bao giờ hút, nếu bạn là người hút thuốc thì hãy bỏ ngay. Bỏ thuốc lá là một công việc khó khăn đối với đa số người nghiện thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn có quyết tâm cao kết hợp với một chương trình hành động cụ thể, chúng tôi tin rằng bạn sẽ thành công.
Đi tìm nguyên nhân
Trước khi bỏ thuốc, bạn hãy tìm nguyên nhân vì sao mình lại hút và nghiện thuốc.
Có thể là áp lực về mặt xã hội: Các bạn của bạn là những người hút thuốc và cổ vũ bạn cùng hút; bạn sống hay làm việc trong tập thể có nhiều người hút thuốc.
Có thể trong cơ thể bạn đã phát triển sự phụ thuộc vào nicotin trong khói thuốc lá, khi ngừng hút thuốc bạn thấy khó chịu, mệt mỏi.
Có thể bạn thường hay hút thuốc chỉ vì thói quen. Đôi khi bạn không có cảm giác thèm hút thuốc nhưng vẫn lấy ra hút vì thấy người bên cạnh đang hút, hay cảm thấy “cảm giác trống vắng” trên đầu các ngón tay thường dùng để kẹp thuốc khi hút.
Chương trình hành động
Để bỏ thuốc thành công thì khi xây dựng kế hoạch cho việc bỏ thuốc, cần phải tính đến tất cả các nguyên nhân khiến bạn nghiện thuốc. Sau đây là một số lời khuyên:
Hãy chọn một ngày là ngày có ý nghĩa đặc biệt với bạn như ngày sinh của bạn, vợ hoặc con hay ngày cưới… để bắt đầu cho chương trình bỏ thuốc của mình, không nên định trước ngày thành công.
Có thể thuyết phục các bạn của mình cùng nhau bỏ thuốc.
Hãy thông báo với bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình về ý định bỏ thuốc của mình để nhận được sự thông cảm, cổ vũ của họ.
Hãy thử thay việc hút thuốc bằng các công việc khác như tập luyện thể dục thể thao, tạo niềm say mê mới, nhai kẹo cao su, không nên ăn các thức ăn có hàm lượng calo cao như thịt mỡ, bơ… để tránh tăng cân.
Phương pháp tốt nhất là bỏ luôn bỏ hoàn toàn không hút nữa “cold turkey” sẽ có hiệu quả hơn là bỏ thuốc từ từ. Vài ba tuần đầu tiên là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với bạn. Để chương trình bỏ thuốc đạt hiệu quả, ngoài quyết tâm của bản thân cần phải có sự động viên và cổ vũ của người xung quanh. Bạn nên tránh đến những nơi có nhiều người hút thuốc như quán rượu bia, tụ tập đánh bài, quán karaoke, sàn nhảy…
Những người quá nghiện có thể tiến hành bỏ từ từ theo đúng chương trình đặt ra (giảm dần số lượng thuốc hút trong ngày trong một thời gian nhất định).
Đừng vội đốt thuốc khi thấy có cảm giác thèm thuốc, cố gắng chịu đựng trong khoảng 5-10 phút bằng cách thực hiện công việc gì đó.
Làm cho việc hút thuốc không thuận lợi như mỗi lần chỉ mua một vài điếu thuốc, không mang thuốc theo người.
Khi định hút thuốc bạn thử tự hỏi bản thân là thật sự bạn đang thèm hút hay chỉ đơn giản là phản xạ. Một số người nghiện thuốc đôi khi hút thuốc là do phản xạ - họ cảm thấy trên hai ngón tay thường để kẹp thuốc một cảm giác trống vắng và họ lại cầm điếu thuốc.
Hãy vứt bỏ tất cả gạt tàn thuốc ở nhà, trên xe ôtô, ở nơi làm việc.
Có thể dùng một số loại thuốc giúp cho bỏ thuốc lá được bán ở các hiệu thuốc.
Vì sao khi bỏ thuốc lại lại có nguy cơ tăng cân?
Khi bỏ thuốc sẽ có 3 điều xảy ra với bạn:
- Bình thường hóa sự chuyển hóa các chất trong cơ thể mà trước đây bị ức chế bởi chất nicotin, thức ăn được hấp thụ tốt hơn.
- Các núm vị giác trên lưỡi bắt đầu cảm nhận vị của thức ăn tốt hơn nên ăn cảm giác ngon miệng.
- Trong nhiều năm bạn đã quen với việc có điếu thuốc lá có trong miệng, bây giờ bạn thay thế thói quen đó bằng việc ăn vặt (kem, bánh kẹo ngọt…) giữa các bữa ăn.
Những lời khuyên
- Ăn điều độ 3 bữa/ngày, ăn vừa đủ no, không cố ăn thêm.
- Không ăn hay hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều calo như: thịt mỡ, bơ, pho-mát, kem, bánh kẹo ngọt.
- Không ăn vặt, nếu cảm thấy đói hãy cố gắng chịu đựng thêm một thời gian, cảm giác đó sẽ qua đi.
- Tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp cơ thể đốt cháy lượng calo thừa, giảm stress và quên dần nhu cầu hút thuốc.Cung cấp báo giá dịch vụ khám sức khỏe đình kỳ 2024 |