NGHIÊN CỨU DỊCH TỄ VÀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Chi phí cho ba bệnh liên quan đến thuốc lá - Nghiên cứu chính sách phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Cập nhật lúc 12:24 22/04/2013
Vũ Xuân Phú, Đặng Vũ Trung và Hana Ross

Trường Y tế công cộng, Hà Nội, Việt Nam

 
MỤC TIÊU
Mục tiêu chung của nghiên cứu là mô tả bức tranh về chi phí xã hội của thuốc lá nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam điều chỉnh chính sách thuế và sản xuất thuốc lá, và thiết kế các chương trình phòng chống thuốc lá thích hợp. Nghiên cứu đo lường chi phí nằm viện của các bệnh liên quan đến thuốc lá nhìn từ góc độ xã hội và ước tính chi phí y tế của các bệnh liên quan đến hút thuốc quy thuộc cho hút thuốc.  
 
PHƯƠNG PHÁP
 
Nghiên cứu ngang được thực hiện trong 6 tháng từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2005. Phương pháp định tính và định lượng được sử dụng để thu thập các thông tin cho mô tả toàn cảnh về cơ cấu chi phí của các bệnh liên quan đến hút thuốc và báo cáo các phát hiện chính của nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách phục vụ điều chỉnh chính sách. Ba bệnh được lựa chọn là ung thư phổi, các bệnh không ung thư và bệnh hô hấp tắc nghẽn mãn tính (phế quản mãn, khí phế thũng). Nghiên cứu thực hiện trên bệnh viện: Đơn vị điều trị tích cực các bệnh tim mạch thuộc bệnh viên Bạch Mai, Viện lao và bệnh phổi, Viện K trung ương. Bệnh viện tỉnh Hoà Bình, bệnh viện huyện Chí Linh, Hải Dương. Tổng số 390 bệnh nhân nhập viện từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2006 đồng ý tham gia nghiên cứu. 

 
KẾT QUẢ
Kết quả cho thấy các đối tượng nghiên cứu có tuổi từ 57 – 66 và có khoảng thời gian hút thuốc là 19 năm. Các bệnh nhân này hút trung bình 8 điếu thuốc 1 ngày. Trong số đối tượng nghiên cứu 72% là nam còn lại 28% là nữ. Thời gian điều trị bệnh nhân ở bệnh viện cho 3 bệnh này từ 8.6 đến 43.3 ngày cho một đợt điều trị. Chi phí xã hội trung bình cho một đợt điều trị của bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và nhồi máu cơ tim lần lượt là 3,7 triệu , 12,3 triệu  và 31,4 triệu .
 
Hút thuốc có tác động gấp 2 lần lên chi phí, vừa tăng khả năng mắc 3 bệnh nghiên cứu đồng thời tăng nguy cơ phải chi trả nhiều hơn gấp 1.8 lần. Đối với xã hội, chỉ tính riêng 3 bệnh được lựa chọn trong nghiên cứu này thuốc lá gây ra  khoảng 50% chi phí xã hội liên quan đến bệnh nhân nội trú và 804 tỷ đồng  (khoảng 50 triệu đô la Mỹ), và  0,11% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hay 18% kinh phí chính phủ dành cho y tế và 19% kinh phí do các công ty thuốc lá đóng góp cho nhà nước. Nói cách khác nếu ngừng hút thuốc, Việt Nam có thẻ tiết kiệm được 804 tỷ cho điều trị bệnh nhân nội trú mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi và nhồi máu cơ tim. 
 KẾT LUẬN
Từ các phát hiện của nghiên cứu về gánh nặng chi phí do các bệnh liên quan đến thuốc lá, chúng tôi hy vọng các nhà chính sách có thể đưa ra những chính sách phù hợp tạo ra một xã hội khoẻ mạnh hơn. Mặc dù nghiên cứu này có một số hạn chế, các kết quả nghiên cứu thể hiện phần  nào bức tranh về tác động của hút thuốc ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chứng tỏ hút thuốc có những tác động kinh tế mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam.
 
 Báo cáo nghiên cứu chi tiết xin liên hệ Văn phòng Chương trình PCTH Thuốc lá, ĐT: 047367456