HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁNGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ

Thái Bình:Nhân rộng nhiều mô hình về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cập nhật lúc 15:08 01/06/2020
Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) có hiệu lực thi hành (ngày 01/5/2013), đặc biệt từ năm 2015 đến nay khi có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) thì hoạt động PCTHCTL tại tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch PCTHCTL đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đồng thời giao ngành Y tế chủ trì, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, trong đó chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc không hút thuốc lá và tham gia thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tổ chức các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, trong đó có tiêu chí “Xây dựng môi trường không khói thuốc”;  triển khai các hoạt động: tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng ở cả 3 cấp, truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức như mít tinh, diễu hành, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa; thi hái hoa dân chủ, sản xuất và phân phối các tài liệu tuyên truyền PCTHCTL. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu, đánh giá việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình là đơn vị đầu mối của tỉnh về hoạt động PCTHTL đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và kiểm tra, giám sát liên ngành việc thực thi phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của khói thuốc lá và sự cần thiết của việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Do đó, tính đến tháng 12/2019 có trên 90% cơ quan, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá. Ý thức chấp hành các quy định của Luật PCTHTL của các cấp, ngành, mọi người dân đã được nâng lên rõ rệt. 100% đơn vị y tế cam kết xây dựng “Môi trường không khói thuốc”. Một số đơn vị y tế, khách sạn đã đưa chế tài xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tập thể có cán bộ sử dụng thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc. Một số cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố đã có biển “Không bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi. Năm 2019, đã nhân rộng thêm mô hình điểm về PCTHTL tại 35 trường học, 36 địa phương cơ sở và 02 bệnh viện. Đối với Thái Bình, chọn cách thức truyền thông phù hợp chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân nhận thức được tác hại của thuốc lá gây ra đối với sức khỏe của con người. Truyền thông đã góp phần tạo nên những thay đổi về nhận thức tích cực trong cộng đồng, có rất nhiều người ủng hộ hoạt động truyền thông và nhiều người đã giảm hút, một số người đã bỏ hẳn được thuốc lá. Năm 2019, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh triển khai hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề và các buổi biểu diễn tiểu phẩm truyền thông, đồng diễn thể thao về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng dân cư và trường học. Những vấn đề tưởng chừng như khô khan, khó nhớ đã được sân khấu hóa khiến người xem dễ hiểu, dễ nhớ về tác hại của khói thuốc lá, về việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và lợi ích của việc xây dựng “Môi trường không khói thuốc”. Các buổi biểu diễn, đồng diễn đã truyền tải thành công thông điệp: “ Hãy dừng hút thuốc, khi chưa quá muộn”, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Việc xây dựng môi trường không khói thuốc được các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. 100% đơn vị đã thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo PCTHCTL. Công tác tuyên truyền PCTHCTL được nhiều đơn vị thực hiện ngày một bài bản, hiệu quả, điển hình như các Bệnh viện Đa khoa: Thái Thụy, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Phụ Dực, các Trung tâm Y tế: Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương...Đến các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế, dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong công tác PCTHCTL. Một số đơn vị đã có nhiều sáng kiến và biện pháp quyết liệt nên việc triển khai xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc đạt được hiệu quả cao. Các băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích tuyên truyền về PCTHCTL được treo, dán ở các khoa, phòng, nơi dễ nhìn dễ thấy; tình trạng người bệnh và người nhà hút thuốc tại bệnh viện, cơ sở y tế đã giảm nhiều. Ở các khoa, phòng của bệnh viện, cán bộ y tế đã lồng ghép việc tư vấn, tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giảm hút và từ bỏ hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng. Không có hiện tượng bán thuốc lá trong căng tin các bệnh viện. Nhiều đơn vị trong ngành y tế của tỉnh đã có quy định mức phạt cụ thể đối với hành vi hút thuốc lá.
Điển hình trong hoạt động PCTHTL phải kể đến công tác áp dụng các quy định và xử phạt, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân của Hội LHPN huyện Thái Thụy, điều đó đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần xây dựng gia đình không khói thuốc. Hội LHPN huyện đã phối hợp tổ chức thường xuyên các lớp truyền thông PCTHCTL tại cộng đồng. Kết quả, 3 năm qua, Hội đã tổ chức 24 lớp truyền thông về PCTHCTL tại cộng đồng, 03 buổi giao lưu văn nghệ, biểu diễn tiểu phẩm truyền thông thu hút trên 7.000 lượt cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia. Các tiểu phẩm dễ hiểu, dễ nhớ đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên và nhân dân về tác hại của thuốc lá.
Việc nói không với thuốc lá, xây dựng môi trường “Trường học không khói thuốc”…luôn là những mục tiêu hướng tới góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh tiếp cận sớm với thuốc lá tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Để xây dựng thành công môi trường “Trường học không khói thuốc”, nhiều thầy giáo trong các trường học của tỉnh Thái Bình đã trở thành những tấm gương tiêu biểu cho đồng nghiệp và học sinh về việc từ bỏ hoặc nói không với thuốc lá. Những pano, khẩu hiệu tuyên truyền "Trường học không khói thuốc", “Quyết tâm xây dựng trường học không khói thuốc lá”, biển “Cấm hút thuốc lá” cũng đã được lắp đặt tại các dãy hành lang, lớp học các trường học, đem lại hiệu quả tích cực…Vào đầu năm học mới, 100% giáo viên, học sinh đều ký cam kết xây dựng trường học không khói thuốc.Chính các em học sinh đã trở thành những tuyên truyền viên đắc lực trong phòng, chống tác hại của thuốc lá nơi học đường và tại cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; việc tuyên truyền xây dựng “Môi trường không khói thuốc” tại các doanh nghiệp còn chưa nhiều; ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của nhiều người dân còn hạn chế; việc áp dụng chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp khó khăn, chủ yếu mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền, nhắc nhở.
Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống, năm 2020, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá, gắn với công tác phòng, chống tác hại của rượu bia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong việc xây dựng và triển khai chính sách không hút thuốc nơi công cộng, nơi làm việc. Tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng phong trào thi đua xây dựng “Môi trường không khói thuốc”tại các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, cụm dân cư và tiếp tục triển khai chương trình đồng diễn thể thao không khói thuốc tại trường học, cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát để công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả cao hơn nữa…/.
 

Bài& ảnh: Hoàng Thía