HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Một số kết quả đạt được từ việc thực hiện môi trường không khói thuốc của Liên đoàn Lao động cả nước

Cập nhật lúc 14:37 08/08/2013
Quyết định số 1315/QĐ – TTg về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá đã có quy định cấm hút thuốc lá ở hầu hết các địa điểm công cộng trong nhà và nơi làm việc. Để thực hiện Quyết định này đã có 48 Bộ ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện quy định môi trường không khói thuốc lá tại cơ quan, công sở.
 Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Một nghiên cứu gần đây của Văn Phòng Chương trình PCTH thuốc lá nhằm đánh giá tình hình thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc lá theo Quyết định số 1315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá tại Công đoàn bộ, ngành TW và Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố. Và Đưa ra các bài học kinh nghiệm về việc thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc lá tại Công đoàn bộ, ngành TW và Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố.


            Nghiên cứu được thực hiện tại 11 đơn vị, bao gồm 09 Công đoàn bộ/ngành trung ương và 02 Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố, bao gồm: Công đoàn của Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Đường sắt Việt Nam, Tổng Liên đoàn, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam,Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Điện Biên.
 
            Một số kết quả
  • Công tác PCTH thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của Tổng Liên đoàn tới đơn vị trực thuộc ngay sau khi có Quyết định 1315/ QĐ-Ttg thông qua các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện.
  • Nhận thức của CNVCLĐ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp rất tốt. Tỉ lệ các CNVCLĐ nhận thức đúng về tác hại của thuốc lá và ủng hộ cao việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá và cấm hút thuốc lá nơi công cộng khá cao. Tuy nhiên, tình hình hút thuốc lá còn diễn ra, đặc biệt tại các hành lang, sảnh làm việc và ngoài sân trụ sở làm việc trong khi các khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá tại một số trụ sở làm việc còn chưa đạt yêu cầu. Do đó, sự phơi nhiễm khói thuốc lá tại nơi làm việc của CNVCLĐ vẫn còn tồn tại.
  • Công tác PCTH thuốc lá đã được quan tâm, lập kế hoạch thực hiện tại các đơn vị nhưng chủ yếu lồng ghép với hoạt động chăm sóc sức khỏe, thi đua lao động của các cấp công đoàn. Kinh phí riêng để thực hiện chưa có hoặc rất ít, chủ yếu từ hỗ trợ của Tổng Liên đoàn và Văn phòng VINACOSH.
  • Công tác báo cáo và đánh giá kết quả còn chưa được thực hiện đồng bộ ở một số đơn vị, chủ yếu lồng ghép trong báo cáo thi đua chung của đơn vị. Việc xử phạt với các hành vi vi phạm đã có và áp dụng hiệu quả tại một số đơn vị, lực lượng xử phạt khá đa dạng tới các đơn vị. Tuy nhiên, phần lớn vẫn là nhắc nhở cá nhân hoặc nêu tại giao ban đơn vị. Do đó, hiệu quả giám sát và xử phạt còn hạn chế.
  • Công tác truyền thông PCTH thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc đã đạt được nhiều thành công nhất định , góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức đúng cho CNVCLĐ. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên mới tập trung cho công đoàn cấp trên cơ sở. Các hoạt động truyền thông cho công đoàn cấp dưới cơ sở, tới tận công nhân lao động, đặc biệt ở đơn vị ngoài Nhà nước còn ít và chưa thường xuyên.  
  • Nhiều mô hình làm việc không khói thuốc lá đã được thí điểm thành công, góp phần bảo vệ môi trường làm việc an toàn, lành mạnh cho người lao động. Những thành công này là kết quả của sự quan tâm, nhận thức đúng đắn của người đứng đầu các đơn vị và chỉ đạo của Tổng Liên đoàn. Tuy nhiên, việc quảng bá và truyền thông các mô hình trên trong hệ thống của Tổng Liên đoàn còn hạn chế.


Bài học kinh nghiệm:
  • Sự ủng hộ và tích cực chỉ đạo, tham gia của người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị đóng vai trò quyết định, đảm bảo thành công xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. Trong đó, lãnh đạo cần làm gương không hút thuốc lá tại nơi làm việc.
  • Môi trường pháp lý, đặc biệt là việc Quốc hội phê chuẩn Luật PCTH thuốc lá ngày càng hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý và thúc đẩy sự tham gia của các cấp lãnh đạo
  • Vai trò của Văn phòng Chương trình PCTH thuốc lá và Tổng Liên đoàn trong tư vấn và hỗ trợ kĩ thuật cho công đoàn các cấp thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Sau khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/5/2013, dịch vụ  tư vấn về cai nghiện thuốc lá cần được tăng cường để đảm bảo người lao động có thể tiếp cận dịch vụ tốt nhất.
  • Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá và lợi ích của môi trường làm việc không khói thuốc lá đã và vẫn là ưu tiên cần thực hiện trong việc xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp và hiện đại cho đội ngũ lao động tiên tiến.
  • Tiêu chí “không hút thuốc lá nơi làm việc” cần lồng ghép và trở thành nội dung để thi đua, khen thưởng và bình xếp danh hiệu lao động, kết hợp biện pháp chế tài mạnh mẽ và toàn diện hơn.
  • Các địa điểm cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc phải có biển báo “cấm hút thuốc lá”, để tuyên truyền và xử phạt các trường hợp vi phạm.
  • Đội ngũ cán bộ để theo dõi, báo cáo tình hìnhvà xử phạt hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc cần lồng ghép và tăng cường hơn nữa. Đối với doanh nghiệp, đơn vị thực hiện nên là ban hành chính- quản trị. Đối với cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị nên là ban thanh tra, thi đua khen thưởng. Không xây dựng khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá tại đơn vị. Căn cứ theo Điều 11 của Luật PCTH thuốc lá sẽ có hiệu lực vào ngày 1/5/2012, nơi làm việc là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên nơi làm việc cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong và ngoài. Do đó, cấm hoàn toàn hút thuốc lá tại nơi làm việc.
  • Song song với việc mở rộng các mô hình “môi trường làm việc không khói thuốc lá” thành công cho các ngành, đơn vị trực thuộc, việc quảng bá và truyền thông trên toàn quốc là cơ sở để nâng cao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trên toàn quốc. Theo đó, mô hình này là minh chứng cụ thể trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động, cũng như xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp.